Vị nữ chủ nhân của căn hộ duplex tại trung tâm Sài Gòn dành hẳn một năm cho việc lên ý tưởng, tập dượt và hoàn chỉnh để có thể “ra riêng” với một không gian thực sự là chân dung của chính mình.
Vốn được khởi công từ một căn hộ giao thô hoàn toàn, không có vách tường ngăn sẵn, căn nhà như canvas trống để ngỏ cho rất nhiều ý tưởng sắp đặt sáng tạo. Sự thú vị và “có nghề” ở đây chính là ở chỗ gia chủ đã không quá vồn vã trước những khả năng vô tận ấy, mà dành đủ khoảng không để tiết chế và chọn lọc cho mình những lựa chọn thật sự đắt giá.
Một cách rất tinh ý, những bức tranh có giá trị nghệ thuật và sưu tầm cao được chọn lọc để xuất hiện ở những góc nhà đặc biệt cần điểm nhấn. Ảnh: Naoto Ohike.
Thoạt tiên, chị nhất định rằng nhà mình phải có chiếu nghỉ - một khoảng không đủ ý tứ để khi cửa mở người ta không thể nhìn thẳng vào bên trong.
Diện tích 80m² nhân đôi lên bằng không gian duplex cho phép chị có thứ đặc quyền bé nhỏ ấy và khi chiếu nghỉ được trang trí bằng một vài chi tiết cây xanh, chậu cỏ giản dị nhưng có duyên, lời chào dành cho khách đến thăm cũng vì thế mà nhẹ nhõm, lịch thiệp thêm nhiều phần.
Toàn bộ căn hộ là một bảng màu êm ả của beige, gỗ trần và màu hồng ruốc hiền lành nhưng cũng khá “khó chiều” nếu không sử dụng một cách tiết chế.
KHOẢNG THÔNG TẦNG ĐƯỢC TÙY BIẾN VỚI ĐƯỜNG CONG NHẸ NHÀNG, CÀNG LÀM ĐẸP HƠN GÓC NHÌN CỦA CĂN HỘ RA KHUNG CẢNH BÊN NGOÀI. NHỮNG BUỔI CHIỀU KHI NẮNG HẮT XIÊN VÀO MẢNG TƯỜNG LÀ LÚC LÝ TƯỞNG ĐỂ CHIÊM NGƯỠNG.
Khai thác tối đa những đường cong uyển chuyển, hạn chế tối đa những góc vuông của căn nhà, văn phòng kiến trúc Nu Architects đã chọn giải pháp làm sàn đá mài liền mạch để tạo cảm giác nối kết của một “open space”. Đá mài cũng là chất liệu gợi rõ cảm hứng vintage cũ xưa giàu tình cảm mà chủ nhà muốn tạo dựng.
Tỉ mỉ lựa chọn cho mình từng món nội thất qua nhiều chuyến thăm thú, khảo sát ở các thương hiệu khác nhau, chị hài lòng với việc phối hợp những thương hiệu đồ nội thất Việt Nam đương đại kiêu hãnh đứng bên cạnh những tên tuổi nội thất cao cấp từ Ý và Bắc Âu.
CẢM HỨNG VỀ NHỮNG MÁI VÒM CỦA CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC THUỘC ĐỊA, CHỊ MONG MUỐN ĐEM MÁI VÒM VÀO NHỮNG Ô CỬA NHÀ MÌNH NHƯ MỘT LIỆU PHÁP NÂNG ĐỠ CẢM XÚC VÀ TẠO SỰ NHỊP NHÀNG, NỐI KẾT CHO KHÔNG GIAN.
Chủ nhà cho biết chị từng trải nghiệm việc nâng lên đặt xuống khi lựa chọn khá nhiều món đồ cho căn nhà, nhưng lại luôn chắc chắn nhà mình sẽ treo tranh và phải là tranh thật đẹp. Vốn có thể đôi lúc “mượn” vài tấm tranh quý từ BST của mẹ mình, chị tự nhận thấy khả năng có thể linh hoạt điều chuyển và bày biện cho căn hộ riêng của mình và vì thế chú trọng nhường chỗ cho nhiều góc tường trống để chiêm ngưỡng nghệ thuật.
PHÒNG NGỦ CHÍNH CỦA CĂN NHÀ HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ CỬA, MÀ THAY VÀO ĐÓ LÀ MỘT HỆ RẺM LINEN LINH ĐỘNG ĐỂ CÓ THỂ ĐEM LẠI NHỮNG GIẢI PHÁP ÁNH SÁNG TỰ NHIÊN PHONG PHÚ CHO KHÔNG GIAN.
Tự chủ đến từng chi tiết cho chốn ở đầy tính cá nhân, chị lọ mọ đặt hàng từng chi tiết của lan can cầu thang, giếng thông tầng, mà theo như kể lại là lấy cảm hứng từ một căn biệt thự cũ trên đường Phùng Khắc Khoan.
Ở tầng trên, không gian sống tự do với giải pháp rèm kéo thay cho một cánh cửa phòng ngủ cố định, và ngay cạnh đầu giường là chiếc bàn học kiểu dáng cổ điển chính là do chị thừa hưởng từ bàn học ngày bé của mẹ mình – một mối liên kết gia đình ý nhị và ấm áp.
Toàn bộ căn nhà là một tổng thể gọn ghẽ, chỉn chu mà vẫn rất phá cách, táo bạo ở những chi tiết rất riêng, rất tình như thế.