Đắn đo giữa 2 phương án: Đập toàn bộ căn nhà kết hợp với mảnh đất mới mua để xây nhà mới và giữ lại khung nhà cũ, xây mới phần đất mua thêm. Do chênh lệch 25 – 30% tổng mức đầu tư, cuối cùng gia chủ quyết định chọn phương án 2.
Thông tin công trình:
- Tên công trình: Hà Duy House
- Thời gian: hoàn thiện cuối năm 2021
- Tổng Vốn đầu tư: 4,5 tỷ VND
Chị Hà gặp NTK vào giữa hè 2020, thời điểm cả thế giới quay cuồng vì dịch Covid-19. Vaccine trên thế giới lúc đó còn đang giai đoạn nghiên cứu và chưa được công bố.
Gia đình chị Hà – anh Duy là một gia đình “bình thường,” “bình thường” tới mức điển hình kiểu mẫu: hai vợ chồng công chức, hai con nhỏ, sở hữu một căn nhà nhỏ ông bà cho sau khi cưới và cùng phấn đấu tiết kiệm làm ăn để vun vén cuộc sống. Hiện trạng ngôi nhà của anh chị nằm cuối ngách của một ngõ phố đông đúc điển hình của Hà Nội. Ngõ này họp chợ thường xuyên, nên lối vào nhà vào nhà ban ngày hơi khó đi một chút.
Trong đó, việc nước ngấm qua tường giữa hai nhà xảy ra khá phổ biến trong mô hình nhà phố. Đô thị Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn với những khu vực quy hoạch từ thời cũ (hoặc thậm chí có khi chả có quy hoạch gì mà là cơi nới phát triển dần từ làng xóm hoặc các khu vực buôn bán quanh trung tâm), chứa đựng những vấn đề như vậy, phải nói là điển hình “quá quen thuộc” với đại bộ phận đa số người dân khi sống liền kề, trong khi chất lượng xây dựng và tiêu chuẩn kiến trúc không được đảm bảo đồng bộ giữa các nhà. (Mà gọi “nhà phố” vì không biết xếp hạng mục nhà vào đâu, chứ thực tế là “nhà ngõ,” “nhà ngách”).
Hiểu những rủi ro có thể gặp phải khi cải tạo giữ lại nhà cũ mà không xây mới, gia chủ ban đầu đã rất đắn đo giữa hai phương án:
– Đập toàn bộ căn nhà hiện trạng 3.5 tầng, mỗi tầng ~50m2 trên mảnh đất ~65m2, kết hợp với mảnh đất 29m2 mua mới ngay sát bên cạnh ở trước mặt tiền, thiết kế và xây mới lại hoàn toàn căn nhà 4.5 tầng trên mảnh đất mới ~93m2 hình chữ L.
– Hoặc tiết kiệm chi phí một phần nhờ giữ lại khung nhà cũ, làm mới phần đất mới mua thêm, và kết hợp hai căn lại rồi cùng nâng thêm tầng để tăng diện tích sử dụng.
Sau khi được tư vấn về chi phí hoàn thiện của từng phương án, do chênh lệch chi phí tới 25-30% tổng mức đầu tư giữa hai phương án, sau khi cân nhắc kỹ về điều kiện kinh tế và nhu cầu của gia đình, phương án giữ một phần khung nhà cũ và cải tạo lại được lựa chọn. Gia chủ chuẩn bị tinh thần chấp nhận rủi ro phát sinh nếu có trong quá trình thực hiện cải tạo, tuy nhiên lạc quan tin tưởng vào đơn vị tư vấn đưa ra giải pháp để xử lý cục bộ từng vấn đề, nếu có.
Về công năng, nhu cầu của gia đình ngoài các không gian tiêu chuẩn như khách, ăn, bếp, ngủ master và các công trình phụ kèm theo, còn có: phòng ngủ kết hợp học/đọc sách cho hai bạn nhỏ, không gian studio khép kín cho ông bà dự kiến chuyển về ở cùng trong tương lai. Hiển nhiên, nhu cầu làm thêm thang máy vì vậy cũng được đề cập. Ngoài ra, công trình có vài khu vực đặc biệt hơn so với những dự án khác của văn phòng thiết kế như phòng chơi nhạc, sinh hoạt nghệ thuật, phòng đọc sách, và phòng thư pháp cho anh. (Về sau, văn phòng được biết thông tin khá thú vị, anh chủ nhà là một nhân vật khá “có tiếng” trong giới thư pháp ở Hà Nội, và thi thoảng có bạn bè người quen tới “xin chữ”).
Về thẩm mỹ, vì phương pháp thiết kế của văn phòng thiết kế dựa trên việc nghiên cứu những phong cách kiến trúc nội thất đã từng hiện hữu và đưa ra giải pháp phù hợp về điều kiện cho từng dự án, nên gia chủ được gợi ý khá đầy đủ về những hình thức không gian khả thi. Sau cùng, phong cách Indochine đương đại được lựa chọn để phát triển cho các không gian chính, do tính cách anh chị tự nhận “trầm, già hơn tuổi,”và sự lựa chọn này sẽ không lo bị lỗi mốt khi bối cảnh công trình ở Hà Nội.
Phòng ăn, bếp và khách tại tầng trệt thể hiện rõ nhất đường nét của phong cách này. Nội thất và các hoàn thiện trong nhà được làm kết hợp giữa gỗ tự nhiên và gỗ công nghiệp để tiết kiệm chi phí.
Với những công trình không có các yếu tố quá đặc biệt về công năng, thẩm mỹ, kinh phí, diện tích đất hay quy mô, hướng tiếp cận của đội ngũ thiết kế là “làm tốt những gì thuộc về tiêu chuẩn cơ bản,” và đặt sự chăm chút vào tiểu tiết của từng không gian. Công trình này không khó về mặt thẩm mỹ, nhưng đặt ra rất nhiều thách thức về mặt kỹ thuật, khi phải xử lý các khe lún/khe giãn nở, hiểu nôm na là mối nối của kết cấu mới và cũ do chọn phương án cải tạo mở rộng mà không đập bỏ xây mới. Các khe này cần các giải pháp kỹ thuật khác thông thường, cũng như một vài khu vực cá biệt khe này rơi vào phòng tắm/vệ sinh nên phải lựa chọn các vật liệu chống thấm có tính co giãn phù hợp kèm theo.
Ngay từ đầu, đội ngũ thiết kế hướng tới ưu tiên sự thông thoáng chung của không gian bằng những trục ánh sáng và thông gió tự nhiên giữa vào sau nhà, đưa các yếu tố này len lỏi vào mọi không gian chức năng. Các phòng ngủ tiêu chuẩn được ưu tiên không gian trước nhà, với ánh sáng từ mặt tiền và bên hông từ một ngõ nhỏ phía ngoài. Nhà vệ sinh của các phòng ngủ tiêu chuẩn này dù được đẩy về phía sau, nhưng vì vậy có thể tiếp cận với giếng trời qua lưng thang máy để tận dụng thông khí và ánh sáng.
Phòng ngủ Master được đưa lên tầng 4 cao nhất, chỉ dưới phòng thờ trên tầng tum, ưu tiên góc nhìn phía ngoài không bị che khuất bởi những nhà đối diện, ra sân bóng phía xa. Tại đây, phòng tắm master được khéo léo xử lý để bồn tắm đặt cạnh khoảng xanh nhỏ ngoài ban công, nhưng vẫn kín đáo với cách bố trí gạch thông gió tại mặt tiền.
Kinh phí ban đầu chủ nhà dự kiến 4 tỷ VND. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, để xử lý các vấn đề không lường trước được do rủi ro cải tạo gây ra, chi phí phát sinh thực tế thêm khoảng 500 triệu nữa. Tuy phát sinh không hề ít, nhưng so với con số dự kiến khoảng 5-6 tỷ nếu phải đập đi xây mới từ đầu, thì có lẽ có thể cho rằng chúng tôi tạm thành công bài toán kinh tế xây dựng của công trình.
Không dự án nào có thể đảm bảo hoàn hảo về chất lượng công trình, đây là tính chất chung của các dự án xây dựng. Vì vậy, NTK bảo hành công trình 1 năm từ thời điểm bàn giao. Với đơn vị thiết kế, đây là cách tạo sự hỗ trợ tinh thần yên tâm nhất cho gia chủ trong quá trình sử dụng.